phong cách thiết kế nội thất cổ điển

Kiến thức nội thất: Tìm hiểu về phong cách thiết kế cổ điển

29/05/2019
0

Phong cách thiết kế cổ điển (chủ nghĩa cổ điển) là một phong cách được thể hiện trong tất cả các tác phẩm nghệ thuật của Châu Âu khoảng thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, bao gồm: nghệ thuật, âm nhạc, văn học, kiến trúc. Sự đối xứng, tinh tế và thu hút của thời cổ đại được thể hiện trọn vẹn trong thiết kế nội thất cổ điển. Phong cách cổ điển trong thiết kế nội thất căn hộ - mang hơi thở quý phái, trang trọng, vật liệu có chất lượng đặc biệt, hình dạng họa tiết rõ ràng và không quá mức rườm rà.

Những ngôi nhà được thiết kế và trang trí theo phong cách cổ điển thu hút bởi màu sắc tĩnh lặng, kết hợp với bầu không khí trầm ổn, sang trọng. Ngày nay, nội thất cổ điển thường gắn liền với hình ảnh những người giàu có, quý tộc, đặc biệt là những người yêu thích những giá trị và truyền thống lâu đời.

Lịch sử xuất hiện của phong cách thiết kế nội thất cổ điển (Phong cách cổ điển)

Chủ nghĩa cổ điển bắt nguồn từ Pháp vào thế kỷ 17 và nhanh chóng lan rộng khắp Châu Âu, trở thành phong cách chủ đạo trong 2 thế kỷ. Các nghệ sĩ thời đó thường lấy cảm hứng từ nghệ thuật Hy Lạp và La Mã cổ đại, cụ thể là sự đơn giản, rõ ràng của họ.

phong cách thiết kế cổ điển

Chủ nghĩa cổ điển có nguồn gốc từ nước Pháp

Mặc dù có những quy tắc nghiêm ngặt, nhưng ở mỗi quốc gia riêng Chủ nghĩa cổ điển được thể hiện theo nhiều cách riêng biệt: nếu ở Pháp, thiết kế nội thất đầy lộng lẫy và rực rỡ, thì đến Anh Quốc phong cách này đặc trưng bởi chủ nghĩa duy lý (lý luận học) và những quy tắc nghiêm ngặt. Ở Nga, trong triều đại của Catherine, tính chất vĩ đại và sự hài hòa của Chủ nghĩa cổ điển đã chinh phục đế quốc này. Các tòa nhà Petersburg và nội thất bên trong với các thiết kế của khu nhà quý tộc là ví dụ nổi bật.

Đặc điểm của chủ nghĩa cổ điển trong thiết kế nội thất

Chú trọng sự cân bằng và tính chất đối xứng

Phong cách thiết kế cổ điển chú trọng sự đối xứng

Thiết kế nội thất theo phong cách cổ điển là chú trọng sự cân bằng, tính đối xứng trong không gian sống. Những nhà thiết kế sẽ sắp xếp và phân chia một trục ở chính giữa, thiết kế một bên và bên còn lại là đối xứng của mặt này. Trong nhiều trường hợp, không nhất thiết là lúc nào đồ nội thất cũng phải giống nhau.

Ở phong cách thiết kế này, từng chi tiết, vật dụng, cách đặt tranh ảnh hay lựa chọn ánh sáng như thế nào đều phải có sự lựa chọn và tính toán chi tiết một cách nghiêm ngặt.

Vật liệu

Trong phong cách thiết kế cổ điển, tất cả các vật liệu được lựa chọn phải là tự nhiên và độc đáo, do đó mức chi phí là khá đắt đỏ. Cột trụ thường được làm bằng đá cẩm thạch, các bức tường phủ vải hoặc ốp từ gỗ tự nhiên.

Vật liệu trong phong cách cổ điển mang tính tự nhiên và độc đáo

Một số khu vực như phòng bếp, phòng tắm, phòng khách có thể lót đá cẩm thạch. Trần nhà phong cách cổ điển thường là màu trắng và được trang trí bởi các tấm vữa với nhiều tạo hình nổi bật, ấn tượng.

Dải màu

Các thiết kế nội thất cổ điển thường tránh các màu sắc tươi sáng. Thông thường là những gam màu trầm tĩnh, trung tính, làm cho bầu không khí có tổng thể nhẹ nhàng, điển hình là màu be, màu oliu, màu kem, xanh nhạt và màu vàng.

Màu sắc giữ vai trò là bức phông nền cho tổng thể

Phong cách này cũng khá ưa chuộng tất cả các sắc thái của gam màu nâu (gỗ tự nhiên), nhưng cũng khá chọn lọc để đảm bảo căn phòng không quá mức trầm buồn. Màu trắng giúp cho các chi tiết ánh vàng được nổi bật hơn.

Màu sắc không phải là yếu tố điểm nhấn trong cách thiết kế nội thất này, thay vào đó, màu sắc giữ vai trò là bức phông nền và khiến cho tổng thể không gian trở nên ấm áp.

Ánh sáng

Đèn chùm pha lê là nội thất nổi bật cho phong cách này 

Để chiếu sáng không gian thì thường nhà thiết kế sẽ lựa chọn đèn chùm pha lê, đèn làm bằng đá trong suốt hoặc thủy tinh đắt tiền. Đèn chùm theo phong cách cổ điển là một tác phẩm nghệ thuật thật sự, từ chất liệu đến kiểu dáng đều toát lên sự sang trọng, quý phái.

Chiếc đèn chùm thường được treo ở giữa trần nhà, ánh sáng sẽ được phân bổ đều, giúp không gian trở nên hài hòa hơn. Ngoài đèn trần, các không gian phòng thường được trang trí bằng các chân nến bằng đồng.

Chất liệu vải và vai trò của nó trong Phong cách thiết kế cổ điển

Kiểu rèm cầu kỳ, bèo nhúng là gia vị đặc trưng của phong cách cổ điển

Vải thổ cẩm, satin hay lụa – là những chất liệu chính để trang trí phòng theo phong cách cổ điển. Đối với cửa sổ trang trí, vải rèm thường là những loại chất liệu rất nặng và khá đắt tiền. Kiểu rèm nữ hoàng với những lớp bèo nhúng dày, nhiều lớp là đặc trưng cho phong cách này. Sàn nhà với những chiếc thảm thủ công với hoa văn, họa tiết đặc sắc cũng là một chi tiết đáng chú ý.

Điểm nhấn

Điểm nhấn trong phong cách cổ điển

Lò sưởi là một vị trí trung tâm thường được sử dụng

Điểm nhấn sẽ đóng vai trò là vị trí trung tâm, thu hút ánh nhìn của căn phòng. Điểm nhấn trong thiết kế cổ điển có thể là lò sưởi, cầu thang uốn lượn hoặc chiếc bàn lớn đặt ở giữa phòng. Đối với một căn phòng đã xác định vị trí điểm nhấn thì những chi tiết, vật dụng xung quanh chỉ đóng vai trò làm nền để nổi bật lên chi tiết thiết kế này.

Chi tiết trang trí

Đường nét trang trí theo phong cách cổ điển

Những đường phào chỉ chạy dọc tường, trần nhà được tạo dáng nghệ thuật

Thêm một đặc trưng nữa của phong cách thiết kế cổ điển đó là những đường nét cầu kì và mang tính nghệ thuật cao. Phong cách này chú trọng vào những chi tiết góc cạnh và những đường cong mềm mại, cổ điển. Những đường phào chỉ, những đường gờ chạy dọc tường, trần nhà chính là gia vị đặc sắc và nổi bật nhất.

Kết luận

Bài viết hôm nay đã giải đáp cho chúng ta các thắc mắc Phong cách thiết kế cổ điển là gì và những đặc trưng quan trọng trong việc áp dụng nó khi thiết kế nội thất. Có thể nói phong cách cổ điển đã biến nhiều công trình nhà ở trở thành tác phẩm nghệ thuật trong làng kiến trúc thế giới. 

Bạn hãy nhớ theo dõi blog của Nội thất IBIE để cập nhật thêm nhiều kiến thức thú vị về kiến trúc nội thất bạn nhé!

Bình luận

Bạn là người đầu tiên nhận xét. Xin cảm ơn!